
26/08/2023: Workshop về phát triển nghiên cứu khoa học tại Khoa Khoa học xã hội và nhân văn - Trường Đại học Văn Lang
SARAP
Ngày 26/08/2023, Khoa Xã hội và Nhân văn Trường Đại học Văn Lang tổ chức buổi toạ đảm “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn – Cảnh báo về các tạp chí đáng ngờ trong công bố quốc tế (predatory journals)”. Buổi toạ đàm đã thu hút sự quan tâm thảo luận và chia sẻ ý kiến từ các thầy cô Khoa Xã hội và Nhân văn, Khoa Kiến trúc – Xây dựng và Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ.
Công bố quốc tế ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam nhiều năm qua được nhận định là có “tính đặc thù”. “khó đăng” hay “không phù hợp với quốc tế”. Với tầm nhìn đến năm 2030, Trường Đại học Văn Lang xác định “Đẩy mạnh các chương trình hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường đại học hàng đầu trên thế giới” nên luôn dành sự quan tâm thúc đẩy năng lực nghiên cứu khoa học ở khối ngành Xã hội và Nhân văn.
Mở đầu buổi toạ đàm, T.S Nguyễn Bảo Thanh Nghi (Trưởng khoa Xã hội và Nhân văn) nêu ra các vấn đề nóng bỏng, thời sự của nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn: số lượng công bố từ Việt Nam còn hạn chế, thách thức từ chuyển đổi số, công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội.
Diễn giả chính của buổi toạ đàm là TS. Lê Văn Út (Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu của Trường Đại học Văn Lang – SARAP) và PGS. TS. Nguyễn Thời Trung (Viện trưởng Viện khoa học Tính toán và Trí tuệ Nhân tạo, Trường Đại học Văn Lang – COSARI) đã lần lượt dẫn dắt buổi toạ đàm đi qua các chủ đề một cách sinh động, dễ hiểu.
PGS. TS. Nguyễn Thời Trung giới thiệu chung về nguyên lý của trí tuệ nhân tạo, lịch sử hình thành và lý do AI được nghiên cứu và phát triển nhanh chóng trong 15 năm qua. Người tham gia toạ đàm còn được học cách phân biệt giữ trí tuệ nhân tạo (AI - artificial intelligence), học máy (machine learning) và học sâu (deep intelligence). Đặc biệt, PGS. TS. Nguyễn Thời Trung đã giới thiệu về khả năng của AI trong xây dựng mô hình phân tích dữ liệu lớn và khả năng đưa ra các dự đoán chính xác.
Trước câu hỏi từ người tham dự: Hiện nay có những ứng dụng AI nào được sử dụng để hỗ trợ hoạt động khảo sát thực tiễn hay chưa (chẳng hạn, quá trình xây dựng bảng hỏi, thu thập và đánh giá dữ liệu...)? Nếu có thì là những ứng dụng nào, PGS. TS. Nguyễn Thời Trung đã giải đáp chung về vấn đề thu thập dữ liệu, tính pháp lý của hoạt động này, đồng thời nhắc lại nguyên tắc chung của học máy về dữ liệu đầu vào và dữ liệu đầu ra.
Nhận định về chính sách nghiên cứu khoa học, TS. Lê Văn Út nhận định: “Chính sách giống như một con đường, cho dù mình có nhân sự tốt, nhà nghiên cứu giỏi, nhưng nếu không có chính sách để mở đường thì nhà nghiên cứu cũng khó lòng phát huy được hết năng lực”. TS. Lê Văn Út cũng giới thiệu tổng quan về các Chính sách phát triển nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Văn Lang và điểm qua tình hình công bố quốc tế trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn của các tác giả Việt Nam. Quan trọng nhất, toạ đàm đã giới thiệu đến người tham dự bảng xếp hạng các nhà xuất bản và tạp chí uy tín; cách thức nhận diện các tạp chí săn mồi, chưa được nghiệm thu.
Trước thắc mắc của người tham dự về các tạp chí ở danh mục MDPI, T.S Lê Văn Út cũng đưa ra câu trả lời thoả đáng: Dù rằng đăng ký hoạt động tại Thuỵ Sĩ, nhưng nhân sự vận hành của danh mục này đa phần đến từ Trung Quốc. Nhiều học giả uy tín trên thế giới cũng đã bày tỏ mối nghi ngờ về tính liêm chính của các tạp chí trong danh mục này. TS. Lê Văn Út cũng nhấn mạnh: Các tạp chí săn mồi, chưa được nghiệm thu có nhiều dấu hiệu để nhận biết: uy tín của đội ngũ biên tập, thời gian biên tập và xuất bản bài viết, chi phí cao khi muốn bài viết được bình duyệt, nhiệm vụ của nhà nghiên cứu là phải nhận diện được nó và không để các sản phẩm khoa học của mình đang tải trên các tạp chí này. Tạp chí săn mồi không chỉ là vấn đề của giới nghiên cứu Việt Nam mà là vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới.
(Nguồn: Phòng tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Văn Lang)